Măng Đen được xem là vùng kinh tế động lực và là tâm điểm phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum. Có dịp đến với Măng Đen, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng nét đẹp thiên nhiên mà còn được khám phá những câu chuyện lưu truyền đầy bí hiểm về mảnh đất này..
Măng Đen và câu chuyện đầy bí ẩn về vùng đất “7 hồ 3 thác”
Nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển, Măng Đen có khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa. Với địa hình chủ yếu đồi núi, độ che phủ rừng đạt 82%, Măng Đen được ví như “viên ngọc quý” của núi rừng Tây Nguyên. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi nhấp nhô, những hàng thông xanh ngát cùng nhiều hồ thác, suối đá tạo nên phong cảnh hữu tình. Măng Đen còn được gọi là vùng đất “7 hồ 3 thác” gắn liền với những câu chuyện bí ẩn về nó mà không phải ai cũng biết.
Theo người dân tộc Mơ Nâm, Măng Đen ban đầu có tên gọi là T’Măng Deeng. T’Măng có nghĩa là nơi ở, còn Deeng là thần linh.T’Măng Deeng nghĩa là nơi trú ngụ của các thần linh.
Từ xa xưa, người Mơ Nâm có câu chuyện truyền tụng về nguồn gốc hình thành “7 hồ 3 thác” nổi tiếng ở Măng Đen. Thuở hồng hoang, T’Măng Deeng còn là vùng đất hoang dại, khắp nơi chỉ là rừng núi, không có người sinh sống. Lúc bấy giờ, Plinh Huynh – Vị thần tối cao trên trời, có quyền năng tạo ra vạn vật đã gọi 7 người con trai xuống nơi đây lập làng gồm Gu Kăng Đam, Gu Kăng Lung, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng và em út Gu Kăng Pô. Mỗi người được phong thần cai quản một vùng đất gọi là Huynh.
Khi 7 người con đến tuổi lập gia đình, thần Plinh Huynh đã hạ phàm, sang các làng lân cận và xin hỏi vợ cho các con trai của mình. Sau khi kết hôn, 7 cặp vợ chồng đã lập 7 ngôi làng quanh vùng T’Măng Deeng. Những người vợ sau đó đã biến thành linh vật đại diện cho các loài như heo, cá, nai, thằn lằn,… và những người chồng phải lập lời thề không được ăn thịt loài mà vợ mình là linh vật. Nếu ai vi phạm sẽ bị Plinh Huynh trừng phạt.
Truyền thuyết “7 hồ 3 thác” ở Măng Đen
Thường niên, 7 người con trai sẽ bay về trời để báo cáo tình hình công việc, đời sống với thần Plinh Huynh. Nhưng lâu dần, Plinh không thấy những người con quay về trời nữa. Một thời gian dài, cuộc sống ở T’Măng Deeng vô cùng ấm no, trù phú với lúa đầy kho, heo gà đầy sân, thịt thú rừng đầy bếp,…
Đến một ngày, vào dịp cúng năm mới, dân làng mở hội ăn uống linh đình. Trong lúc vui chơi, các vị thần đã uống rượu, ăn các loại thức ăn do dân làng mang đến, trong đó có thịt các loài vật mà vợ mình làm linh vật. Điều này đã khiến thần Plinh vô cùng nổi giận và ngài đã dùng phép lạ để trừng phạt những đứa con của mình.
Ngay lúc dân làng còn hăng say trong lễ hội, bỗng mặt đất ở các ngôi làng sụp xuống và tạo thành những hố lớn. Dưới lòng đất, lửa khói phun lên mù mịt. Toàn bộ nhà cửa, làng mạc đều chìm trong biển lửa. Những tia lửa bắn vào vách núi tạo thành 3 dòng thác lớn. Nước từ các thác đổ ập xuống dập tắt những ngọn lửa từ các hố sâu và biến chúng thành 7 hồ nước.
Ngày nay, “7 hồ 3 thác” gồm các hồ nước là Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Đăk Ke; 3 ngọn thác gồm thác Pa Sỹ, Đak Ke, Đak Pne.
Hồ Toong Đam – Nét đẹp tinh thần của người dân Măng Đen
Hồ Đăk Ke
Thác Pa Sỹ – Nàng tiên giữa Măng Đen đại ngàn
Theo thời gian, “7 hồ 3 thác” đã trở thành một trong những địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch về với Măng Đen. Chính quyền địa phương cũng có chủ trương khôi phục, chỉnh trang một số hồ đã cạn nước để phát triển tối đa tiềm năng du lịch của địa phương. Nếu có dịp đến với mảnh đất Măng Đen xinh đẹp, bạn đừng quên khám phá câu chuyện thú vị này nhé!