Hồ T’Nưng là địa danh không còn xa lạ với du khách khi đến với Gia Lai. Nơi đây cũng được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Cùng khám phá những điều thú vị của hồ T’Nưng qua bài chia sẻ dưới đây nhé !
Vị trí của hồ T’Nưng Pleiku
Hồ T’Nưng hay còn gọi là Biển Hồ Pleiku thuộc xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm TP khoảng 7km. Để đến hồ, từ trung tâm Pleiku, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô theo Quốc lộ 14, đến cổng bạn gửi xe rồi đi bộ hoặc thuê xe điện để khám phá cảnh quan quanh hồ.
Đôi nét về hồ T’Nưng Pleiku
Tên gọi T’Nưng bắt nguồn từ tiếng của đồng bào Ê Đê với ý nghĩa “biển trên núi”
Hồ T’Nưng còn được gọi là Biển Hồ Pleiku hay hồ Ea Nueng, là hồ nước ngọt được hình thành trên miệng 3 ngọn núi lửa đã tắt ở độ cao hơn 800m so với mực nước biển.
Hồ sâu khoảng 12 – 20m, nước hồ xanh biếc quanh năm tạo nên khung cảnh thơ mộng giữa phố núi. Hồ T’Nưng đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai và lọt vào Top 10 hồ nước tự nhiên đẹp nhất Việt Nam.
Sự tích về hồ T’Nưng Pleiku
Theo truyện cổ dân gian của dân tộc Jơ Rai về sự tích La Nueng (Biển Hồ) khi xưa là bến nước chung của người dân làng Jơ Rai. Một hôm trên đường đi đến bến La Nueng để lấy nước, hai người dân làng là Yă Pôm và Yă Chao phát hiện một con heo trắng rất đẹp. Yă Chao đã bắt con lợn trắng xinh đẹp kia về nuôi ở nhà mình. Hằng ngày ăn cát trắng, chú lợn bỗng lớn nhanh như thổi, to bằng con trâu.
Cùng lúc ấy, dân làng làm nhà rông mới và cần tìm một con lợn to để cúng Yàng. Người làng đi khắp nơi nhưng không tìm được con lợn nào vừa ý nên đã đến nhà Yă Chao xin bắt con lợn trắng để làm thịt. Mặc cho Yă Chao kiên quyết từ chối, dân làng vẫn bắt con lợn trắng làm thịt cúng Yàng. Sau khi cả làng ăn thịt lợn trắng thì bỗng dưng trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, vùi lấp cả làng, hai bà cháu Yă Chao chạy nhưng không kịp nên bị nước nhấn chìm biến thành tượng đá dưới đáy hồ.
Cũng có chuyện kể rằng, hồ T’Nưng mang tên một ngôi làng cổ trong huyền thoại. Chuyện kể về một ngôi làng xinh đẹp, ở đó dân làng sống hòa thuận, yên vui nhưng bỗng một hôm, ngọn núi lửa ập đến vùi lấp làng. Những người may mắn sống sót đã khóc thương cho làng mình khiến nước mắt chảy thành suối, các suối đổ về hồ. Sau này hồ có tên là hồ T’Nưng.
Thời điểm thích hợp để tham quan hồ T’Nưng Pleiku
Khí hậu Gia Lai ôn hòa, mát mẻ quanh năm và chia làm 2 mùa rõ rệt. Thời điểm lý tưởng nhất để bạn tham quan hồ là vào mùa khô. Lúc này thời tiết đẹp, khô ráo, việc di chuyển cũng dễ dàng và an toàn hơn. Đây cũng là thời điểm các loài hoa quanh hồ đua nhau nở. Dọc đường đi bạn cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh hoa cà phê, hoa dã quỳ phủ kín các sườn đồi, thôn bản.
Khám phá hồ T’Nưng Pleiku
Hồ T’Nưng – Nét đẹp thơ mộng của đôi mắt Pleiku
Hồ T’Nưng mang vẻ đẹp trong veo của thiếu nữ dịu dàng giữa núi rừng hoang dã, yêu kiều nhưng mạnh mẽ.
Điều đặc biệt khiến cho hồ T’Nưng không giống với những hồ khác là hồ nằm trên đỉnh cao, không có bất kỳ con suối nào chảy vào nhưng nước trong hồ chẳng bao giờ cạn. Đây cũng là một trong những lý do mà Biển Hồ trở thành nơi cấp nước vô cùng quan trọng của thành phố Pleiku.
Để có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của hồ T’Nưng, bạn nên đi bộ quanh hồ, ngắm cảnh và hít thở bầu không khí trong lành. Hồ dược bao phù bởi sắc xanh của rừng thông với vô vàn loài chim như kơ vong, kơ tuốc, cuốc đen,…
Buổi sáng sớm, khi sương vẫn còn giăng khắp lối, đứng bên hồ T’Nưng bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc vào thế giới thần tiên đầy hư ảo và huyền bí. Xa xa, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh chiếc thuyền độc mộc lướt nhẹ trên mặt nước.
Buổi trưa, những tia nắng soi xuống mặt hồ, hòa vào những con sóng mềm mại.
Hoàng hôn là thời khắc khung cảnh trở nên lãng mạn nhất, khi lòng hồ như được nhuộm đỏ, những cơn gió cũng dịu nhẹ hơn khiến cho khung cảnh trở nên thanh bình.
Thiên nhiên thật ưu ái và biết chiều lòng người mới có thể ban tặng cho hồ T’Nưng một vẻ đẹp hiền hòa đến vậy.
Cầu treo hồ T’Nưng
Cầu treo biển hồ được xây dựng cách đây vài chục năm, tuy chỉ dài vài chục mét nhưng cầu treo đóng vai trò vô cùng quan trọng, là con được ngắn nhất liên kết đất liền ở hai bên eo hồ.
Thiết kế của cầu treo khá thú vị, cầu chỉ có hai nhịp ở hai đầu cố định, toàn bộ cầu được treo lên bằng dây văng. Khi đi bộ qua cầu, bạn sẽ có cảm giác bồng bềnh tựa trên mây.
Cầu treo cũng là một trong những điểm check in “hot” nhất tại hồ T’Nưng. Từ vị trí giữa cầu, bạn có thể chụp được cảnh toàn hồ, view đồi thông hay khu biệt thự cao cấp ven hồ.
Tượng Quan Âm – Điểm du lịch tâm linh tại hồ T’Nưng
Bảo tượng Quan Âm ở giữa hồ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại đây. Đối với người dân địa phương, sự hiện diện của tượng Quan Âm hướng về thành phố như vòng tay ôm ấp, che chở, bảo vệ nơi này.
Mỗi dịp tết về, nơi đây tập trung đông đảo du khách và người dân địa phương đến thắp nhang cầu an.
Các hoạt động giải trí thú vị tại hồ T’Nưng
Nếu bạn muốn vừa đi dạo vừa ngắm cảnh bên hồ thì có thể thuê một chiếc xe, vừa đạp xe vừa tận hưởng không khí trong lành.
Còn nếu bạn là một người yêu thích du lịch mạo hiểm thì có thể thử trải nghiệm chèo thuyền quanh Biển Hồ. Bạn sẽ được ngắm toàn cảnh mặt hồ, nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội, câu cá dưới hoàng hôn tuyệt đẹp.
Những điểm check in gần hồ T’Nưng Pleiku
Núi lửa Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya là một tổ hợp 3 ngọn núi lửa nhỏ nằm sát nhau ở Chư Đăng Ya, nằm cách TP Pleiku khoảng 30km. Đây là ngọn núi lửa được hình thành và tồn tại qua hàng triệu năm.
Tham quan núi lửa Chư Đăng Ya vào tháng 10 – tháng 11, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc vàng hoa dã quỳ nở rộ khắp các triền núi thung lũng.
Biển Hồ Chè
Đồi chè Gia Lai nằm trên bờ Bắc của Biển Hồ và là một phần của Biển Hồ. Nơi đây còn được gọi với một tên khác do chính người dân Pleiku đặt đó là Biển Hồ chè bởi đây là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè ngút ngàn, xanh mướt.
Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về những giây phút tịnh tâm và tìm hiểu về văn hóa tâm linh khi đến với Gia Lai.
Chùa tọa lạc tại số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, tỉnh Gia Lai. Chùa Minh Thành sở hữu nét kiến trúc mang đậm hơi thở của xứ Phù Tang, ngoài ra chùa còn chịu ảnh hưởng bởi lối kiến trúc của Trung Hoa nên có nét vô cùng khác biệt so với nhiều ngôi chùa ở Việt Nam.
Thác Chín Tầng
Nằm giữa Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió, thác Chín Tầng là điểm du lịch vẫn còn mang nét đẹp hoang sơ núi rừng.
Địa hình từ sơ khai ở đây đã tạo ra những đoạn uốn lượn khiến cho thác có nhiều bậc thang, mỗi bậc thang chính là một tầng. Cái tên thác Chín Tầng cũng bắt nguồn từ đây.
Đến đây, bạn sẽ được ngắm thác nước kỳ vĩ giữa không gian núi rừng, khám phá hệ sinh thái đa dạng, hòa bình vào thiên nhiên yên bình.
Hồ T’Nưng là điểm du lịch hấp dẫn dành cho bạn khi có dịp đến với Gia Lai. Đừng quên thêm Gia Lai vào sổ tay du lịch của mình ngay bạn nhé !